Chỉ là bài văn thông thường của cậu học sinh lớp 3, nhưng khi biết “công thức viết văn” của bà mẹ thì ai cũng phục sát đất

Tập Làm Văn Lớp 3, VIẾT THƯ CHO NGƯỜI THÂN, Tiếng Việt Lớp 3, Trang 83
Tập Làm Văn Lớp 3, VIẾT THƯ CHO NGƯỜI THÂN, Tiếng Việt Lớp 3, Trang 83

Một cậu học sinh lớp 3 đã viết 1 bài văn đầy hồn nhiên như thế này:

“Bố của em tên là Nguyễn Vũ Dũng. Bố 41 tuổi, làm nghề lập trình viên. Bố em cao 1m69cm, da bố nâu vì bố phải làm việc, lái xe đi làm rất xa. Bố em béo vì ăn nhiều thịt và không tập thể dục hàng ngày. Bố rất yêu em.

Mỗi buổi sáng, bố nấu bữa sáng cho cả nhà, đưa em đi học. Em cũng rất yêu bố vì tuần nào bố cũng đưa em đi học đá bóng và học đàn piano. Em mong bố luôn khỏe mạnh, giàu hơn để mua tất cả mọi thứ, sửa xe… và luôn bảo vệ, yêu thương em”.

Bài văn cũng như nhiều bài văn thông thường khác, một số thích thú với ý nghĩ hồn nhiên của cậu bé “mong bố giàu hơn để mua tất cả mọi thứ”.

Tuy nhiên điều tiết lộ sau đó của mẹ cậu để có được bài văn bình thường như thế thì khiến khá nhiều người cảm thấy xúc động và phục sát đất bà mẹ ấy.

Cậu bé viết bài văn này tên ở nhà gọi là Ong (mắc hội chứng tự kỷ), mẹ cậu là Nguyệt Ca, một người phụ nữ đã từng “bước ra ánh sáng” công khai những bước đi cùng con để những bà mẹ có con tự kỷ khác có thêm động lực “chiến đấu” với những khó khăn và đi cùng con một cách nhẹ nhàng hơn.

Câu chuyện của mẹ Nguyệt Ca và Ong cũng là minh chứng cho việc mỗi đứa con luôn thật đặc biệt và quý giá với các bà mẹ. Dù có chuyện gì xảy ra, dù khó khăn đến đâu, chúng ta vẫn có thể vui sống theo cách này hay cách khác và mang cho con 1 cuộc sống vui vẻ.

Cụ thể trong trường hợp này, bài chia sẻ của chị Nguyệt Ca kể về “công thức viết văn” kỳ công cho vip (V.I.P là từ các cha mẹ có con tự kỷ thường dùng để gọi những bạn nhỏ mắc hội chứng tự kỷ, với thông điệp rằng mỗi một đứa trẻ tự kỷ đều là một con người rất đặc biệt, rất quan trọng).

Để có một bài văn tưởng như rất đỗi bình thường này, cần một phương pháp được tạo nên từ trái tim yêu của người mẹ.

Gia đình nhỏ của chị Nguyệt Ca

Bài viết như sau:

“Để ra được đoạn văn này, mẹ, cô và Ong đã trải qua các bước như sau:

Bước 1: Lập dàn ý.

Vì tính cách của vip là kém ngôn ngữ và rất cứng nhắc, nên việc lập dàn ý như ảnh 1 với ghi chú về số câu, sẽ giúp vip bớt căng thẳng nếu viết không đủ 5-7 câu như cô giáo yêu cầu. Quá ít hay quá nhiều cũng sẽ khiến vip khó chịu.

Dàn ý phân rõ “mở đoạn” – “thân đoạn” – kết đoạn”, với mỗi phần giúp vip xác định thông tin cần viết một cách ngắn gọn. Người giúp vip lập dàn ý cần có kỹ năng đặt câu hỏi đơn giản và trình bày thông tin mạch lạc.

“Công thức viết văn” hay bước lập dàn ý cho Ong.

Bước 2: Giúp vip chuẩn bị câu đơn bằng cách đặt câu hỏi ngắn:

Mẹ/ cô đặt giấy/ vở/ ipad có dàn ý trước mặt để vip nhìn vào và cảm thấy việc viết xong 1 câu là khoảng cách tới đích không còn xa nữa, có thêm động lực viết.

Ở từng mục, giúp vip viết câu đơn trước bằng cách đặt câu hỏi và giúp vip trả lời bằng một câu đơn.

Ví dụ: Người thân em muốn viết tên là gì? -> Tên là Nguyễn Vũ Dũng. Người đó có quan hệ như nào với em? -> Người đó là bố em. -> Mẹ mớm từ mở đầu câu: “Vậy Ong có thể viết: Bố em tên là…”

“Công thức” đặt trước mặt để con viết văn mà không bị… chán.

Bước 3: Giúp vip mở rộng câu đơn thành câu đơn dài, câu phức, câu ghép nhờ 2 cách

(a) mở rộng câu đơn dài bằng cách đặt các câu hỏi Wh (Who, what, where, when, why, how)

– thêm chủ ngữ: ai? và ai nữa? cái gì? và cái gì nữa? Vd: Em và mẹ rất yêu bố.

– thêm động từ: làm gì? và làm gì nữa. Vd: Em mong bố luôn mạnh khoẻ, giàu hơn…

– thêm tính từ: như thế nào? và như thế nào nữa. Vd: Bố em cao, gầy

– thêm mục đích: để làm gì? Vd: … để mua tất cả những gì em thích, sửa xe

– thêm trạng từ chỉ không gian, thời gian: ở đâu? khi nào?

– thêm lý do: vì sao?

(b) mở rộng câu ghép, câu phức bằng các liên từ đơn giản: chủ + vị VÀ chủ + vị; nhưng; bởi vì; hoặc…

Nếu vip chỉ viết “Bố em có làn da nâu” thì vẫn là câu đơn. Mẹ tiếp tục giúp Ong đặt câu hỏi “Vì sao da bố màu nâu?” – Ong: “Vì da bố hấp thụ ánh sáng quá nhiều”. – Mẹ: “Vì sao da bố hấp thụ ánh nắng? Nếu chỉ ngồi trong nhà cả ngày thì da có bị nâu không?” – Ong: “Không”. – Mẹ: “Vậy mỗi ngày bố phải ở dưới nắng mặt trời vào những thời gian nào?” – Ong: “Vào lúc bố lái xe” – Mẹ: “Bố lái xe đi đâu?” – Ong: “Đi làm” – Mẹ: “Từ nhà mình đến công ty của bố xa hay gần?” – Ong: “Rất xa”. Xâu chuỗi tất cả các thông tin đó, Ong mở rộng được từ câu “Da bố nâu” thành “Da bố nâu vì bố phải làm việc, lái xe đi làm rất xa”.

Bài văn hoàn thiện của Ong.

Toàn bộ thời gian hoàn thành là 30 phút, bao gồm lập dàn ý 10′ và viết 20′. Trong 20′ viết thì mất 5-7′ là nhắc vip tập trung, động viên vip viết hết câu, trả lời rất nhiều câu hỏi không liên quan do vip tự dưng lái sang, hoặc đi vệ sinh, ôm vai, ôm cổ, thơm mẹ… để câu giờ.

Mẹ Ong cũng chia sẻ thêm về những thứ nên và không nên làm khi cùng con học:

“DOS AND DON’TS (Những thứ nên và không nên làm)

1. Thỏa thuận trước về thời gian mẹ sẽ ngồi xuống giúp con lập dàn ý và bắt tay vào viết: mọi đứa trẻ dù tự kỷ hay không cũng sẽ hợp tác hơn nếu chúng được thỏa thuận trước về việc chúng sẽ làm, và biết trước có người ngồi cạnh giúp đỡ mình. Khi đón con từ trường về, mẹ có thể thỏa thuận “Tối nay 8h chúng mính sẽ cùng lập dàn ý về bài văn hôm nay nhé” hay “Hôm qua chúng mình đã có dàn ý rồi, chiều chủ nhật mẹ con mình sẽ viết nhé”.

2. Trước khi học, nên dọn dẹp hết đồ chơi, sách truyện, điện thoại của bố/ mẹ ra khỏi tầm mắt của con để con không bị mất tập trung

3. Nên chọn không gian yên tĩnh và đủ ánh sáng để viết

4. Chuẩn bị cho con 1 cốc nước để con bớt lý do rời khỏi bàn giữa chừng

5. Tạo cảm hứng và động lực viết.

Đôi khi trong quá trình viết, con cần có cảm hứng. Ví dụ hôm nay Ong muốn mở rèm ra để nhìn thấy bố vì con giải thích “con muốn nhìn bố để tả bố”. Mẹ Ong luôn tôn trọng mọi ý kiến của Ong, miễn sao con có cảm hứng và động lực viết.

Cứ viết hết 1 câu, Ong lại đếm dấu chấm và cảm thấy rất có hứng thú khi thấy số câu đang nhiều lên và sắp đến đích (7 câu). Thậm chí khi viết xong câu cuối cùng (câu số tám), bạn còn rất tự hào khoe “Mẹ ơi con viết được 8 câu, ngày mai cô Yến sẽ cho con 11 điểm” (vì bạn nghĩ 11 điểm thì giỏi hơn 10 điểm) làm mẹ phì cười.

5. Đừng quên, “đọc 1000 từ mới viết được 1 từ”, vậy hãy xây dựng thói quen đọc sách truyện cho con từ 0-6 tuổi và từ 6 tuổi trở đi, con sẽ tự khám giá thế giới bằng khả năng và niềm đam mê đọc sách.

Cũng nhờ đọc sách bền bỉ, bạn Ong nhà mình từ 1 bạn nhỏ chậm nói, tự kỷ đã có thể đi học lớp 1 đúng tuổi (thậm chí còn non tháng), có thể nghe – nói – đọc – viết song ngữ Anh – Việt và đạt kết quả không tệ chút nào ở cả các môn tiếng Anh và tiếng Việt”.

Ngắm bố để viết cho có… cảm hứng.

Đoạn chia sẻ trên của mẹ Nguyệt Ca đã nhanh chóng truyền cảm hứng cho rất nhiều bà mẹ khác về tình yêu, nghị lực và sự kiên nhẫn với con cái cái của mình. Với 1 đứa trẻ bình thường, viết văn chỉ là viết văn, mẹ thậm chí không vui nếu con được điểm không cao. Nhưng với 1 bà mẹ có con bị tự kỷ thì hoàn thành 1 bài văn thông thường đã là 1 kỳ tích, là bao nhiêu công sức, tình yêu, nghị lực của mẹ dồn cả vào đó.

Cuối cùng thì phương pháp viết 1 bài tập làm văn chỉ là một câu chuyện cực nhỏ trong hành trình mẹ Nguyệt Ca lớn lên cùng Ong, hãy đọc đoạn hội thoại này của họ: “Mẹ có thể hi sinh tất cả vì ai?/ (Mẹ hơi thoáng sững một giây, rồi ôm chặt nó) Vì Ong/ Tại sao?/ Vì con là người mẹ yêu thương nhất trên đời này”.

Bạn đang xem bài viết: Chỉ là bài văn thông thường của cậu học sinh lớp 3, nhưng khi biết “công thức viết văn” của bà mẹ thì ai cũng phục sát đất. Thông tin được tạo bởi Trung Tâm Tiêng Anh Gemma chọn lọc và tổng hợp cùng với các chủ đề liên quan khác.

Similar Posts