Gặp hậu duệ dòng họ bị “kết tội” lén táng mộ tổ vào tháp Rùa

Phát Hiện Độc Lạ 15 Câu Đố Huyền Bí Về Rùa Mà 5 Năm Qua Chưa Ai Nói Cho Bạn Biết | Nhanh Trí
Phát Hiện Độc Lạ 15 Câu Đố Huyền Bí Về Rùa Mà 5 Năm Qua Chưa Ai Nói Cho Bạn Biết | Nhanh Trí

Gặp hậu duệ dòng họ bị “kết tội” lén táng mộ tổ vào tháp Rùa

Trong nhiều tài liệu khảo cứu được công bố, các nhà nghiên cứu đều cho rằng người xây tháp rùa là Nguyễn Hữu Kim (tức Bá Hộ Kim, một người giàu có nức tiếng của Hà Nội cuối thế kỷ 19).

Tuy nhiên, một số tài liệu lại lý giải, sở dĩ Bá hộ Kim xây dựng tháp Rùa là có mục đích riêng, nhằm táng hài cốt cha mẹ mình vào đó? Giả thuyết này bắt đầu từ một tài liệu do nhà nghiên cứu Doãn Kế Thiện văn bản hóa và sau đó được một số tài liệu khác trích dẫn lại. Trong hành trình đi tìm sự thật của câu chuyện, song song với việc khảo cứu nhiều tài liệu xưa, chúng tôi đã tìm lại hậu duệ của nhân vật Bá hộ Kim để làm rõ thực hư một truyền thuyết.

Bàn thờ bên trong tháp Rùa (Hồ Gươm).

Bàn thờ bên trong tháp Rùa (Hồ Gươm).

Màn sương truyền thuyết quanh “Bá hộ Kim”

Cụ Bá Kim từng chôn cất Tổng đốc Hoàng Diệu

Cố học giả Nguyễn Vinh Phúc khi nói về nhân vật Bá hộ Kim đã từng khẳng định chính tác giả xây lên tháp Rùa là người đã đứng ra chôn cất ma chay chu đáo cho Tổng đốc Hoàng Diệu, sau khi ông tuẫn tiết. Cố học giả Nguyễn Vinh Phúc đã dẫn ra cuộc phỏng vấn ông Cử Tốn, do ông Nguyễn Phượng Tường thực hiện trên báo Tri Tân số 183 (ra ngày 21/4/1945). Trong đó, ông Tốn kể rằng: “Ngài vào Võ Miếu đóng sập cửa lại, cởi khăn chít buộc lên cây táo mà tự vẫn. Khi thành đã bị phá xong, trong hàng phố được tin quan tổng đốc tuẫn tiết rất thương xót. Ông Thương Kim (Bá hội Kim), một thân hào đã cũng dân hàng phố góp tiền mua áo quan đem chôn ở gần miếu Trung Liệt. Rồi sau đó lại di ra dinh quan đốc học”.

Tồn tại qua hàng thế kỷ, chỉ riêng chuyện tháp Rùa được xây dựng chính xác vào thời điểm nào đã là một tranh cãi. Những gì chúng ta được nghe, được biết về công trình mang tính biểu tượng này, thực chất chỉ qua tài liệu khảo cứu của các học giả nhiều thế hệ. Trong đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Dư tin rằng tháp Rùa được xây trong khoảng từ tháng 6/1884 đến tháng 4/ 1886. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc (nay đã qua đời), với sự tìm tòi một cách nghiêm cẩn, tỉ mỉ những tư liệu liên quan lại kết luận rằng: Công trình được xây vào năm 1877. Tuy nhiên, dù có những quan điểm dị biệt về thời điểm xây dựng như thế nào, thì hầu hết những tài liệu lịch sử được biết đến hiện nay đều nhất trí rằng, tháp Rùa là do một nhân vật có tên “Bá hộ Kim”, tên thật là Nguyễn Hữu Kim xây dựng, chứ không phải “một người Hoa buôn bánh ngọt nào đó” như tác giả người Pháp Paul Burde võ đoán.

Nhưng truyền thuyết, dường như đã không có cái nhìn thiện cảm với tác giả của công trình thế kỷ giữa lòng Thủ đô. Trong cuốn “Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội” của nhà nghiên cứu Doãn Kế Thiện (NXB Văn Hóa – 1959 – tr.78), tác giả đã đề cập đến lai lịch của Tháp Rùa như sau: “Gò Rùa là nơi Chúa Trịnh dựng Tả Vọng Đình để làm nơi nghỉ mát trong mùa hè. Năm 1884, một tên tay sai của thực dân pháp là Bá Kim hay Thương Kim, tin thuyết phong thủy nói gò này là kiểu đất “vạn đại công khanh”, để được hài cốt tiền nhân vào đó, con cháu sẽ muôn đời làm quan cao chức trọng. Bá Kim thèm muốn đất ấy nhưng vì là đất công nên không dám tự tiện. Về sau (bấy giờ chùa Báo Ân trên bờ hồ phía Đông vẫn còn), y mượn cớ xin với nhà chùa và lấy thế thực dân và bọn Việt gian Nguyễn Hữu Độ, xin tự bỏ tiền nhà xây một ngọn tháp lên trên Gò Rùa để làm hậu chẩm cho ngôi chùa”.

Chân dung Bá Kim trong cuốn sách nay đã được “vẽ” lên như một kẻ đầy toan tính: “…Dùng một số tay chân làm thợ nề, dự định ngay đêm hôm khai móng, chờ đến khuya tối trời, đem hài cốt cha mẹ để sẵn trong hai quách nhỏ, ngầm chôn xuống giữa gò, rồi lấp kín, định hôm sau sẽ xây thành nền tháp cao”. Tuy nhiên, sau đó một điều bất ngờ đã xảy ra: “Sáng hôm sau, y hớn hở cùng người nhà và thợ nề vừa ra tới gò, thì bỗng kêu trời và ngã ra, hai cái quách gỗ đã bị lật lên từ lúc nào, chỉ còn quách không, hai bộ hài cốt đều không thấy đâu nữa, thì ra đã bị bới lên quăng cả xuống hồ rồi!. Không thực hiện được âm mưu, nhưng đã hứa với mọi người là xây tháp, không thể bỏ được, y đành phải cắn răng tiếp tục làm cho xong việc”.

Những câu chuyện chưa được lịch sử xác nhận trên đây không chỉ làm dấy lên những tranh cãi về chuyện tháp Rùa thực sự là một ngôi mộ. Mà hơn thế, nó còn khiến Bá Kim bị lịch sử “khép” vào tội lén táng hài cốt người thân vào mảnh đất linh thiêng. Tuy nhiên, phía sau màn sương mù mờ ảo của truyền thuyết nay, lịch sử về nhân vật Bá Kim, về nguyên ủy thực sự liên quan đến chuyện xây dựng tháp Rùa vẫn là một bí ẩn lớn, cần được làm rõ bằng những nhân chứng, luận cứ mang tính khoa học thuyết phục.

Hậu duệ minh oan cho tổ phụ

Bàn thờ bên trong tháp Rùa (Hồ Gươm).

Ông Nguyễn Đỗ Ngọc, hậu duệ của nhân vật Bá Hộ Kim tin rằng không có chuyện cụ tổ của ông đem táng hài cốt vào tháp Rùa.

Chuyện Bá hộ Kim là người đứng lên xây tháp Rùa, các nhà nghiên cứu đều đã khẳng định. Tuy thế, chuyện Bá hộ Kim xây tháp Rùa để táng hài cốt song thân mình vào, thì đến nay vẫn chỉ là truyền thuyết dân gian. Và với những người con cháu hậu duệ của cụ Bá Kim, thì truyền thuyết không thể được coi là một sự thật lịch sử.

Trao đổi cùng PV, ông Nguyễn Đỗ Ngọc (là con thứ 5 của họa sĩ Nguyễn Ngọc Châu, nguyên cháu nội cụ Bá Kim – PV), hiện ở phố Hồng Hà (P. Phúc Xá – Ba Đình – Hà Nội) cho biết ông là người được cha ủy thác và gửi lại toàn bộ những tư liệu về gia đình, dòng tộc. Theo như cuốn gia phả mà ông Ngọc lưu giữ, thì toàn bộ phần tư liệu xét từ đời Bá hộ Kim trở về trước còn đang bỏ trống vì không tìm được chứng cứ. Ngay cả mộ phần của Bá hộ Kim – Nguyễn Hữu Kim hiện nay cũng chưa xác định được. Nguyên nhân được ông Châu giải thích một cách đau xót là do sự loạn lạc của chiến tranh và một thời gian dài không có điều kiện để tìm lại. Chỉ có mộ của vợ của cụ Bá hộ Kim thì còn xác định được, hiện đang ở tại nghĩa trang thành phố Hà Nội (số mộ 675-E11)

Dựa vào tư liệu còn lại và truyền thống thờ cúng của gia đình, ông Ngọc khẳng định không thể có chuyện cụ nội mình (tức Bá hộ Kim) mang hài cốt cha mẹ ra táng ở Gò Rùa. Nếu có táng ở đó, thì mọi người trong gia đình sẽ phải có trách nhiệm ra đó hương khói hàng năm chứ không thể bỏ hoang được. Hiện dòng họ Nguyễn Hữu chỉ có duy nhất một nhà thờ tổ tại số 29 phố Hai Bà Trưng, hàng năm cứ vào dịp lễ tết thì mọi người trong họ phải quay về đây để làm lễ, kính nhớ tới tổ tiên.

Tiếp tục tìm hiểu về “nghi án” ngoài chính sử này, chúng tôi còn “gõ cửa” bà Đỗ Thị Oanh, vợ ông Nguyễn Ngọc Châu. Bà Oanh khẳng định rằng theo những gì bà được biết từ cuốn gia phả và bậc tiền nhân trong gia đình kể lại, thì cụ Bá Kim xưa kia ngoài công việc xã hội còn là nhà kinh tế giỏi, với nghề chính là tôn tạo, xây dựng nhà ở, chùa chiền. Thời kỳ đó, nhờ sự nhanh nhạy làm ăn, cụ Bá Kim đã trở thành một trong những “đại phú” đất Hà Nội.

Bà Oanh cho rằng, có thể do một phần chuyên nghề xây dựng, nên lúc sinh thời, cụ ấp ủ ý muốn để lại công trình nào đó cho con cháu. Tuy nhiên, trước tình cảnh xã hội rối ren, công cuộc khai thác thuộc địa khiến thực dân Pháp rậm rịch “cấu trúc lại thành phố”, cụ mới bất chợt nhận ra vị trí gần như không bao giờ bị động chạm của… Gò Rùa ở giữa Hồ Gươm. Bằng con mắt tinh đời của một nhà xây dựng, cụ đã nhanh chóng hình dung ra một chiếc tháp nằm yên ả giữa hồ. Nó vừa tô thêm vẻ đẹp cho hồ Gươm lại vừa có thể đựoc gìn giữ công trình một cách an toàn trước những biến đổi của thời thế.

Người viết bài này không dám lạm bàn chuyện đúng hay sai của những truyền thuyết dân gian kết tội Bá hộ Kim lén táng hài cốt cha mẹ vào tháp Rùa nhưng qua những so sánh tư liệu và lời biện giải thiết tha, nhưng không kém phần thấu tình đạt lý, của hậu duệ cụ Bá Kim, thì việc nhìn nhận giữa những “công và tội” của một nhân vật lịch sử sẽ rất cần một cái nhìn khách quan. Bởi điều đó, không chỉ làm bậc tiền nhân “ngậm cười nơi chín suối”, mà hơn thế, nó còn giúp một dòng họ thoát ra khỏi nỗi ám ảnh vì bức màn truyền thuyết đầy ác cảm của người đời.

Theo Hàn Thanh
Gia đình và Xã hội

Bạn đang xem bài viết: Gặp hậu duệ dòng họ bị “kết tội” lén táng mộ tổ vào tháp Rùa. Thông tin được tạo bởi Trung Tâm Tiêng Anh Gemma chọn lọc và tổng hợp cùng với các chủ đề liên quan khác.

Similar Posts