Nhiều giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học
LCĐT – Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng
Liên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, bảo tồn và phát triển
sinh vật, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn sinh vật cho người
dân sống tại các khu vực thuộc vùng đệm của vườn. Trung tâm hiện đang cứu hộ 58
cá thể động vật thuộc 26 loài, gồm: 14 loài thuộc động vật rừng nguy cấp, quý
hiếm; 3 loài cần bảo tồn. Về bảo tồn thực vật, trung tâm đang có 2.621 cây thuộc
105 loài, trong đó 87 loài nguy cấp, quý hiếm và 4 loài cần bảo tồn.
nghiên cứu nhân giống, bảo tồn một số loài thực vật.
Bên cạnh việc cứu hộ các loài động, thực vật nguy cấp, trung tâm
còn phối hợp với nhiều tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước tham gia nghiên
cứu, bảo tồn một số loài động, thực vật. Điển hình như phối hợp với Hội Động
vật Luân Đôn (Anh), Bảo tàng Quốc gia Úc tổ chức thành công nghiên cứu, bảo tồn
2 loài lưỡng cư nguy cấp quý hiếm tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên giai đoạn 2017 –
2019; phối hợp với Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, các chuyên gia nước ngoài
thực hiện chương trình nghiên cứu côn trùng tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên…
Ông Lã Văn Tới, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển
sinh vật Hoàng Liên cho biết: Từ năm 2014 đến nay, trung tâm không chỉ nghiên
cứu, cứu hộ thành công nhiều động, thực vật, mà còn tái thả nhiều loài động vật
vào Vườn Quốc gia Hoàng Liên và Vườn Quốc gia Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh). Kết quả
đánh giá sau tái thả, các động vật đều sinh trưởng tốt. Về bảo tồn thực vật,
trung tâm đã cứu hộ được cây thông đỏ và thực hiện dự án trồng tại huyện Bắc
Hà, huyện Bát Xát và thị xã Sa Pa. Các loài thực vật quý như pơ mu, vân sam,
thiết sam, đỗ quyên, tam thất tự nhiên, sâm vũ diệp cũng được trung tâm cứu hộ
thành công bằng cách nhân giống và tái trồng trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
nhiên và sâm vũ diệp.
Trong những năm qua, Vườn Quốc
gia Hoàng Liên cũng tham gia nhiều đề tài nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học
bền vững như “Điều tra đánh giá hệ thực vật và kết hợp điều tra khảo sát hệ thú
ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai”, “Nghiên cứu các phương pháp nhân
giống một số loài đỗ quyên (bằng hạt và giâm cành) tại núi Hoàng Liên – Lào
Cai”, “Điều tra, đánh giá tính đa dạng của khu hệ bướm; xây dựng bộ sưu tập mẫu
bướm làm cơ sở đề xuất các biện pháp bảo tồn các loài bướm tại Vườn Quốc gia
Hoàng Liên”, “Khai thác và phát triển nguồn gen tam thất hoang (Panax
stipuleanatus H.T. Tsai et K.M. Feng) và Hoàng liên Ô rô (Mahonia nepalensis
DC) làm nguyên liệu sản xuất thuốc”, “Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển
cây đặc sản rừng (đẳng sâm) có giá trị kinh tế cao tại tỉnh Lào Cai”, “Nghiên
cứu khai thác và phát triển nguồn gen Hoàng liên gai (Berberis julianae C. K.
Schneid) làm nguyên liệu sản xuất thuốc”…
Cán
bộ Vườn Quốc gia Hoàng Liên luôn xác định việc bảo vệ rừng là nhiệm vụ quan
trọng, do đó công tác phổ biến, tuyên truyền và phối hợp thực hiện nội dung này
được triển khai thường xuyên, liên tục tại các phân vùng của vườn.
Bên
cạnh những biện pháp đã thực hiện để bảo tồn đa dạng sinh học, Trung tâm Cứu
hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên cũng gặp không ít khó khăn, trong
đó phải kể đến như vấn đề gia tăng dân số sinh sống trong vùng lõi và vùng đệm
của Vườn Quốc gia Hoàng Liên (hiện đã có khoảng 27.000 người), điều này gây ảnh
hưởng tới tài nguyên rừng. Đặc biệt, việc người dân trồng thảo quả dưới tán
rừng, khi canh tác, bà con thường phải tỉa bớt cây thuộc tầng tán trên của
rừng, chặt bỏ hết cây bụi, tầng thảm tươi, sau nhiều năm, cây tầng cao già cỗi
và chết sẽ làm mất rừng và suy giảm đa dạng sinh học…
Cứu hộ nhiều loài động vật
quý hiếm
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên khẳng
định: Hiện nay, nhiệm vụ trọng tâm số 1 của chúng tôi là bảo vệ bền vững tài
nguyên rừng, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong bảo vệ đa dạng
sinh học; tuyên truyền, vận động người dân trong vùng lõi, vùng đệm tham gia
bảo vệ động vật hoang dã, chú trọng phối hợp với các nhà trường trên địa bàn
đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thông qua thế hệ trẻ, lan tỏa tới cộng đồng ý thức
cùng chung tay bảo vệ đa dạng sinh học.
Việc làm tốt công tác nghiên cứu khoa học, cứu hộ, bảo tồn và
phát triển sinh vật của Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng
Liên có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời góp
phần giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý bảo vệ rừng và bảo
tồn đa dạng sinh học, xây dựng Vườn Quốc gia Hoàng Liên thành một bảo tàng sống
– nơi lưu giữ nguồn gen động, thực vật quý hiếm cho Việt Nam. Để thực hiện
thành công nhiệm vụ kép là vừa bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, vừa kết
hợp phát triển du lịch sinh thái, tạo sinh kế, nâng cao đời sống người dân sinh
sống trong vùng lõi, vùng đệm của Vườn Quốc gia Hoàng Liên thì cần phải có các
biện pháp đồng bộ, đặc biệt là sự vào cuộc hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương,
của tỉnh và người dân.
ĐỨC TOÀN( Báo lào
cai.com)