Nữ tiến sĩ “keo dán sinh học”

Keo Dán Dermabond Làm Lành Vết Mổ Trong Phẫu Thuật Nâng Ngực
Keo Dán Dermabond Làm Lành Vết Mổ Trong Phẫu Thuật Nâng Ngực

Từ phòng thí nghiệm “ba không”…

TS Nguyễn Thị Hiệp năm nay 38 tuổi, hiện là Trưởng bộ môn Kỹ thuật Y sinh, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), chị sang Hàn Quốc học thạc sĩ và tiến sĩ ở Trường Đại học Soonchunhyang. Sau 5 năm rưỡi học tập, nghiên cứu tại Hàn Quốc, chị đứng trước những lựa chọn: Ở lại Hàn Quốc nghiên cứu với các điều kiện và cơ hội rất tốt cùng mức lương của tiến sĩ là 3.000USD/tháng hoặc sang Mỹ trau dồi, phát triển kỹ năng nghề nghiệp, hay trở về quê nhà.

Nguyễn Thị Hiệp chọn trở về quê nhà. Chị chủ động gặp GS, TS Võ Văn Tới, Trưởng bộ môn Kỹ thuật y sinh Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, để tìm cơ hội giảng dạy trong nước. Chị được GS, TS Võ Văn Tới tin tưởng, cùng xây dựng phòng thí nghiệm y học tái tạo, trực thuộc Bộ môn Kỹ thuật y sinh Đại học Quốc tế. Phòng thí nghiệm bắt đầu với “3 không”: Không dự án, không thiết bị và không tài trợ. Đi vào xây dựng phòng thí nghiệm và chuyên ngành được không lâu, chị mang thai. Vừa thực hiện thiên chức cao cả của người phụ nữ, TS Nguyễn Thị Hiệp vừa xây dựng phòng thí nghiệm và hỗ trợ đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên. Duy trì bằng các khoản hỗ trợ ít ỏi, dần dần phòng thí nghiệm mua được một số thiết bị khuấy polyme sinh học thành dung dịch, những thiết bị đầu tiên.

Nửa năm sau ngày sinh con, TS Nguyễn Thị Hiệp trở thành giảng viên chính thức tại Trường ĐH Quốc tế. Từng bước, chị cùng mọi người tìm kiếm tài trợ từ các quỹ tài trợ trong và ngoài nước, viết dự án, đề nghị trường đầu tư phòng thí nghiệm trọng điểm để trang bị dụng cụ, máy móc… Đến năm 2015 thì phòng thí nghiệm cơ bản hoàn thành.

… đến keo dán thần kỳ

TS Nguyễn Thị Hiệp đã có nhiều công trình nghiên cứu, đóng góp trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh. Nổi bật trong số đó là công trình “Keo thông minh trong điều trị lành vết thương”. Công trình đã giúp nữ tiến sĩ 8X đoạt giải nhất Giải thưởng sáng tạo TP Hồ Chí Minh năm 2019 vì có tính ứng dụng cao vào thực tiễn.

Được biết, ý tưởng khởi nguồn về loại keo dán vết thương có từ khi TS Nguyễn Thị Hiệp còn nhỏ. Ngày còn thơ ấu, trong một lần chị bị thương, ba đã chở chị bằng xe đạp đến bệnh viện để khâu vết thương. Sau này, tận mắt chứng kiến nhiều người bị tai nạn, mất máu nhiều, không được cầm máu kịp thời dẫn đến tử vong, chị càng quyết tâm làm ra một sản phẩm để thực hiện mơ ước thuở nhỏ. Theo chị, người dân phần lớn không biết cách khâu vết thương, vì vậy cần phải tìm cách đơn giản nhất mà ai cũng có thể sử dụng được để cầm máu tức thì. Trong trường hợp đó, keo cầm máu là một phương pháp tiện dụng nhất.

Từ suy nghĩ này, TS Nguyễn Thị Hiệp tập trung vào nghiên cứu các loại vật liệu sinh học để tạo ra một loại keo dán sinh học. Sau nhiều năm nghiên cứu, bằng cách thay đổi cấu trúc hóa học của hai chất chitosan và hyaluronic acid, TS Nguyễn Thị Hiệp đã chế tạo thành công loại keo thông minh chữa lành vết thương, khiến chúng có thể trực tiếp liên kết chéo với nhau (tạo keo) trong môi trường nước mà không thông qua các thành phần hỗ trợ liên kết. Người dùng có thể dễ dàng kết hợp, tạo thành keo ngay lập tức khi hòa tan với nước và dùng “dán” ngay vết thương tại nhà hay bất cứ nơi đâu. Trong trường hợp nạn nhân chảy nhiều máu, keo còn có chức năng cầm máu tức thời.

Một lợi thế trong việc chế tạo loại keo này, đó là nguồn cung các nguyên liệu. Theo TS Nguyễn Thị Hiệp, chất chitosan có rất nhiều trong vỏ tôm, vỏ cua. Bởi vậy, việc tạo ra sản phẩm keo từ nguồn chitosan trực tiếp ngay trong nước giá thành keo sẽ rất cạnh tranh (vì các nước tiên tiến đang nhập tinh chất chitosan). Khi thương mại hóa được sản phẩm và cung cấp phương pháp này ra đại chúng thì người bệnh sẽ được hưởng lợi, nhất là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo… Ngoài ra, tính chất của gel thay đổi theo tỷ lệ thành phần vật liệu chitosan và hyaluronic acid, nhờ đó ứng dụng của keo có thể được mở rộng cho nhiều nghiên cứu, chế tạo khác.

Thành tựu nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Hiệp góp phần đánh dấu bước phát triển mới trong phát triển kỹ thuật mô và y học tái tạo tại Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của các phương pháp điều trị bằng vật liệu sinh học.

Đến nay, TS Nguyễn Thị Hiệp có tổng cộng 107 công trình khoa học, trong đó có 2 chương sách chuyên khảo, 50 bài báo khoa học trên các tạp chí thuộc ISI, 6 bài trên các tạp chí quốc tế khác, 10 bài trên các tạp chí trong nước, hơn 35 bài trong kỷ yếu hội nghị quốc tế và 4 sáng chế. Năm 2018, chị được giải thưởng L’Oreál – UNESCO dành cho các nhà khoa học nữ xuất sắc dưới 40 tuổi. Chị cũng được trao giải nhất Giải thưởng ASEAN – US – 2017 về giải pháp giảm áp lực lên các thành phố đô thị hóa nhanh – mảng sức khỏe cộng đồng, ASEAN-2017.

KHÁNH NGỌC

Bạn đang xem bài viết: Nữ tiến sĩ “keo dán sinh học”. Thông tin được tạo bởi Trung Tâm Tiêng Anh Gemma chọn lọc và tổng hợp cùng với các chủ đề liên quan khác.

Similar Posts