Giới thiệu về Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Giới thiệu về Bảo tàng Lịch sử quốc gia

2. Phương pháp xây dựng và tổ chức chương trình giáo dục bảo tàng

Thông tư số 18/2010/TT-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch qui định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng Việt Nam nêu rõ tại Điều 10 về Hoạt động giáo dục bảo tàng bao gồm:

a) Hướng dẫn tham quan;

b) Tổ chức chương trình giáo dục;

c) Tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề;

d) Xuất bản ấn phẩm liên quan đến hoạt động giáo dục của bảo tàng.

Trong đó, chương trình giáo dục của bảo tàng nhằm tạo cơ hội và khuyến khích các hình thức học tập và hưởng thụ văn hóa của công chúng.

Tổ chức chương trình giáo dục bảo tàng là trên cơ sở hiện vật, sưu tập hiện vật, trưng bày; cán bộ giáo dục nghiên cứu, xây dựng, áp dụng các kỹ thuật, phương pháp giáo dục (mang tính trải nghiệm) với nhiều dạng thức khác nhau nhằm mục đích tạo sự gặp gỡ, tiếp xúc của công chúng với hiện vật, sưu tập hiện vật, trưng bày của bảo tàng và tạo ra, nâng cao những kỹ năng, kiến thức, nhận thức và sự hiểu biết cơ bản cho công chúng ở mọi lứa tuổi, sở thích, năng lực, trình độ. Các chương trình giáo dục bảo tàng không chỉ là dành cho trẻ em mà còn cho cả người lớn, mặc dù trẻ em có thể là lượng khách tham quan chính của bảo tàng. Bằng cách thiết lập những chương trình phù hợp, các bảo tàng có thể tạo môi trường để tất cả mọi người, các đối tượng công chúng khác nhau có cơ hội học hỏi một cách thú vị và trải nghiệm niềm vui được khám phá tri thức. Bảo tàng phải đáp ứng nhu cầu của các đối tượng công chúng khác nhau, cung cấp cho họ cái nhìn trực quan, sự tương tác, trải nghiệm, với ngôn ngữ và cách thức kể chuyện đa dạng.

Một chương trình hay hoạt động giáo dục trải nghiệm ở bảo tàng dù ở quy mô nào cũng phải được lập kế hoạch cụ thể, gắn kết với nội dung, thông điệp, sưu tập hiện vật của bảo tàng, phù hợp với đối tượng công chúng mà bảo tàng hướng đến. Có 03 yếu tố cốt lõi tạo thành một chương trình giáo dục bảo tàng:

– Hiện vật – Trưng bày – Triển lãm của bảo tàng.

– Công chúng (đối tượng cụ thể).

– Phương pháp – Cách thức (rất đa dạng, có kể kết hợp nhiều phương pháp nhưng cần đảm bảo rằng công chúng được tham gia, chủ động, tích cực, tương tác, trải nghiệm, khám phá, sáng tạo…).

Hoạt động trải nghiệm là yếu tố không thể thiếu trong các chương trình giáo dục bảo tàng, là “sự tham gia chủ động, tích cực, sáng tạo của công chúng vào các hoạt động, trò chơi mà bảo tàng tổ chức”. Công chúng đóng vai trò là chủ thể, trực tiếp thực hiện trải nghiệm dưới nhiều hình thức khác nhau, cán bộ giáo dục là người định hướng, tổ chức, hướng dẫn thực hiện. Hoạt động trải nghiệm cần được diễn ra có chủ đích, có kế hoạch, có hệ thống, mang tính giáo dục cao; cần đảm bảo các yếu tố: bám sát nội dung và chủ đề chương trình giáo dục; nội dung, ý nghĩa sâu sắc; phù hợp với khả năng trải nghiệm của từng đối tượng công chúng.

Để xây dựng được một chương trình giáo dục hiệu quả, điều đầu tiên phải bắt đầu bằng việc xác định đối tượng công chúng. Các chương trình giáo dục bảo tàng thường được xây dựng cho một lứa tuổi cụ thể hoặc cho những nhóm có chủ ý, bởi mỗi đối tượng công chúng khác nhau sẽ có nhu cầu khác nhau và cần sự trải nghiệm khác nhau. Hoạt động giáo dục trải nghiệm tạo hiệu ứng tốt nhất ở 05 yếu tố:

– Sự phù hợp của mỗi cá nhân.

– Sự chào đón và tạo mạng lưới đa dạng tiếng nói từ cộng đồng.

– Chuyển tải nội dung một cách năng động.

– Khuyến khích sự đối thoại giữa các cá nhân và nhóm người tham gia.

– Hỗ trợ quá trình thực hành mang tính hợp tác và sáng tạo.

Để đạt mục tiêu tạo nên sự gắn kết hay làm nên một chương trình giáo dục trải nghiệm thật sự hiệu quả, cán bộ làm công tác giáo dục trong bảo tàng cần chú ý 04 kỹ thuật sau:

– Đặt câu hỏi thú vị.

-Thiết kế không gian đa dạng (đáp ứng nhiều động cơ và hành vi khác nhau của người sử dụng).

– Hỗ trợ đối thoại xoay xung quanh nội dung bảo tàng.

– Chuyển từ mục đích giới thiệu sang mục đích vì sự tương tác của cộng đồng.

Những đặc tính cơ bản của giáo dục trải nghiệm gồm: kinh nghiệm, hoạt động thể chất, tương tác với môi trường, sử dụng các giác quan, cảm xúc, các mối quan hệ xã hội, ý nghĩa cá nhân. Vì vậy, các phương pháp, dạng thức được sử dụng cho hoạt động giáo dục trải nghiệm trong bảo tàng rất đa dạng. Đó có thể là các phương pháp, hình thức như: nhập vai-hóa thân; cầm nắm-tiếp xúc hiện vật; mô phỏng; trải nghiệm thông qua các giác quan; biểu diễn; thuyết trình; trình diễn thủ công dưới góc độ thực hành thông thường hoặc thể hiện kỹ năng; các hoạt động ngoài trời hoặc hoạt động có tổ chức; triển lãm lưu động; đọc sách có tương tác…

Tham khảo và tải tài liệu Bộ Công cụ giáo dục – Các phương pháp và kĩ thuật trong giáo dục tại bảo tàng và di tích – Education Toolkit, Methods and techniques form museum and heritage site do Ủy ban Quốc tế về hoạt động giáo dục và văn hóa (ECECA) thuộc Hội đồng Bảo tàng Thế giới (ICOM) ấn hành năm 2017, tại đường dẫn: https://ceca.mini.icom.museum/wp-content/uploads/sites/5/2018/12/2017-10-08_Education_toolkit_-_e-book_EN.pdf hoặc tại ĐÂY

Học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm “Một giờ làm dân công” (vận chuyển lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ bằng xe đạp thồ)

Một chương trình giáo dục bảo tàng thành công rực rỡ nếu chúng phù hợp với mối quan tâm hoặc nhu cầu của công chúng. Học sinh phổ thông sẽ gặt hái được nhiều kiến thức hơn từ chương trình giáo dục của bảo tàng nếu thông tin được trưng bày, giới thiệu liên quan đến chương trình học của nhà trường. Người lớn sẽ sẵn lòng học hỏi hơn nếu chủ đề trưng bày liên quan đến mối quan tâm đặc biệt của họ hoặc đó là chủ đề phù hợp với sở thích của họ. Hơn nữa, những người khác nhau học được theo những cách khác nhau: Một số người có sở thích học trực quan (học bằng mắt), người khác học tốt nhất qua trao đổi, tương tác; một số thích học qua xúc giác, vận động… vì vậy, khi lập kế hoạch cho chương trình giáo dục, cần nghĩ đến:

– Đối tượng công chúng là ai và họ thích học như thế nào?

– Họ cần gì, muốn gì để có được trải nghiệm học tập tích cực?

– Bạn sẽ cung cấp những gì để đáp ứng nhu cầu của họ?

Do vậy cần chú trọng công tác nghiên cứu, đánh giá khách tham quan, tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu các đối tượng công chúng của bảo tàng để nghiên cứu, xây dựng các chương trình giáo dục khác nhau, phù hợp với nội dung hoạt động của bảo tàng và từng đối tượng công chúng cụ thể. Mỗi hoạt động trải nghiệm đều cần khảo sát mức độ hài lòng của công chúng, đánh giá chất lượng làm cơ sở cho các chương trình giáo dục trải nghiệm tiếp theo. Các chương trình giáo dục cần quan tâm đặc biệt tới đối tượng “công chúng tại chỗ”, công chúng “địa phương”. Đó có thể là cộng đồng dân cư, các trường học trên địa bàn nơi bảo tàng toạ lạc. Họ là những người đầu tiên đón nhận và chịu ảnh hưởng trực tiếp những hoạt động của bảo tàng, là những người có điều kiện để đến với bảo tàng nhiều lần hơn do lợi thế về khoảng cách.

Phối hợp là một logic chủ đạo cho hoạt động giáo dục bảo tàng trong tương lai, trong đó các bảo tàng không thể hoạt động biệt lập. Phối hợp, kết nối với các đối tác: các sở, ban ngành, bảo tàng, di tích, các trường học, nhóm cộng đồng để xây dựng các chương trình giáo dục trải nghiệm hấp dẫn sẽ tăng cường hiệu quả giáo dục bảo tàng. Chương trình giáo dục bảo tàng có thể được xây dựng, thiết kế, tổ chức tại bảo tàng hoặc ngoài phạm vi bảo tàng.

Học sinh hào hứng tham gia hoạt động trải nghiệm “Ai nhanh ai đúng” (Nhảy bao bố, vượt chướng ngại vật, ghép tranh lịch sử) trong một “Giờ học lịch sử” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Về không gian tổ chức hoạt động giáo dục: Bảo tàng cần dành những không gian thích đáng cho các hoạt động giáo dục, sẽ là lý tưởng nếu có được không gian chuyên biệt cùng các tài liệu giáo dục (được thiết kế, in ấn đẹp) hay các giáo cụ trực quan, mẫu vật để cho học sinh được chạm-cầm, xem, trải nghiệm… trong một không gian nội thất (bàn ghế, giá kệ…) được thiết kế đẹp mắt. Nếu không, đó có thể chỉ là một phòng học nhỏ đủ rộng để một tốp học sinh cỡ một lớp trung bình có thể sử dụng được với các trang thiết bị cần thiết như: bảng, máy chiếu, giấy, màu vẽ, bút chì… Bảo tàng cần tạo lập không gian văn hóa thích hợp để công chúng đặc biệt là thế hệ trẻ được tham gia các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo tại bảo tàng.

Dưới đây là các bước (giai đoạn) của việc xây dựng và tổ chức, thực hiện một chương trình giáo dục bảo tàng.

1. Khởi đầu -> 2. Lập kế hoạch -> 3. Thiết kế -> 4. Thực hiện-> 5. Đánh giá

– Bước 1: Xác định nhóm đối tượng công chúng tham gia chương trình giáo dục, yêu cầu, mục đích, nhu cầu của họ là gì?

– Bước 2: Triển khai chi tiết kế hoạch về thời gian, kinh phí, nhân lực, không gian, công nghệ sẵn có… Dựa trên cơ sở nhóm đối tượng là ai và nội dung chương trình, ta sẽ lựa chọn phương pháp nào là phù hợp nhất để đạt được hiệu quả.

– Bước 3: Thiết kế chương trình giáo dục được phát triển, dàn dựng và thí điểm.

– Bước 4: Đưa vào áp dụng

– Bước 5: Đánh giá.

Một bản kế hoạch chương trình giáo dục cần đảm bảo các thông tin, nội dung sau:

– Tên chương trình.

– Thành viên thực hiện (nhiệm vụ, phân công cụ thể).

– Nội dung chương trình (Thời gian, Chủ đề, Từ khóa, Sưu tập hiện vật liên quan, Phương pháp/cách thức thể hiện).

– Đối tượng công chúng và mục tiêu mong đợi.

– Đối tác/cơ quan/đơn vị/ phòng phối hợp và trách nhiệm của họ.

– Kinh phí.

– Đánh giá.

– Điều chỉnh và hoàn thiện.

Để thực hiện vai trò giáo dục của bảo tàng, cùng với việc xây dựng, tổ chức các chương trình giáo dục, bảo tàng cần tạo được môi trường tốt cho công chúng tham quan, trải nghiệm, học tập thông qua các trưng bày: Trưng bày phải hấp dẫn và có tính giáo dục, gắn với nhu cầu của xã hội đương đại, nhu cầu của công chúng; Thông tin về cuộc trưng bày phải được chuyển tới công chúng trước khi đến bảo tàng để họ có sự chuẩn bị trước về những điều sẽ được học; Các bài viết (bản text) trong trưng bày phải ngắn gọn, dễ hiểu và khuyến khích người đọc.…

Dưới đây là 6 yếu tố giúp cho mỗi bảo tàng có thể thực hiện tốt vai trò giáo dục, xây dựng và tổ chức được những chương trình giáo dục thành công, mà ở đó công chúng sẽ có cơ hội được học hỏi một cách thú vị, với những cảm nghiệm tuyệt vời:

Thứ nhất: Xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục bảo tàng. Đó phải là những cán bộ yêu nghề, có năng lực chuyên môn, hiểu rõ về hiện vật/bộ sưu tập hiện vật của bảo tàng, tác phong làm việc chuyên nghiệp, có tính sư phạm … đảm đương vai trò của nhà giáo dục bảo tàng là để phục vụ như một người ủng hộ, thúc đẩy khách tham quan bảo tàng và để đảm bảo sự tiếp cận hiện vật của công chúng thông qua những chương trình giáo dục được chuẩn bị kỹ càng và được giới thiệu tràn đầy cảm xúc.

Thứ hai: Xây dựng, phát triển chương trình giáo dục của bảo tàng, tập trung xây dựng các chương trình cốt lõi, đặc trưng của bảo tàng.

Thứ ba: Xây dựng và duy trì mối quan hệ, hợp tác với các đối tác/cộng sự: ở trong bảo tàng: các curator, tình nguyện viên, các đồng nghiệp, chuyên gia; ở bên ngoài bảo tàng: các tình nguyện viên, giáo viên, họa sỹ, nhà thiết kế…

Thứ tư: Hiểu về công chúng, nhu cầu, sở thích, lòng mong mỏi của công chúng, xác định công chúng mục tiêu của bảo tàng.

Thứ năm: Chú trọng công tác đánh giá hiệu quả, kết quả thực hiện. Mỗi hoạt động trải nghiệm, mỗi một chương trình giáo dục thực hiện xong đều phải được đánh giá, rút kinh nghiệm để làm cơ sở cho các chương trình giáo dục trải nghiệm tiếp theo.

Thứ sáu: Về tài chính, bảo tàng phải có kế hoạch kinh phí cụ thể và rõ ràng cho các chương trình giáo dục.

3. Một số kỹ năng trong việc xây dựng chương trình giáo dục di sản dành cho đối tượng học sinh

Bảo tàng – nơi lưu giữ, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng chứng vật chất về thiên nhiên, con người, môi trường sống của con người thông qua các sưu tập hiện vật chính là thiết chế vô cùng quan trọng trong việc thực hiện vai trò, sứ mệnh giáo dục di sản cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bản Nghị quyết số 1, Các bảo tàng: Người tuyên truyên truyền văn hóa (Hội nghị lần thứ 15) của ICOM công nhận tiềm năng đóng góp của các bảo tàng trong công tác giáo dục: Bằng cách nâng cao nhận thức về văn hóa; Bằng cách trao truyền các nền văn hóa có liên quan đến bảo tàng cho các thế hệ tương lai; Bằng cách nâng cao nhận thức về các nền văn hóa khác. [1]

Giáo dục di sản dành cho học sinh là phương pháp giảng dạy được xây dựng dựa vào di sản văn hóa, kết hợp với cách thức giáo dục năng động, thông qua những tương tác, trải nghiệm trực tiếp (dưới nhiều hình thức khác nhau – tùy thuộc vào nội dung/chủ đề, cơ sở vật chất và phương pháp thể hiện) nhằm mục đích xây dựng, nâng cao nhận thức về di sản, góp phần tăng cường mối liên kết, quan hệ chặt chẽ giữa di sản với học sinh, nhà trường, gia đình, góp phần nâng cao trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những di sản quý giá của dân tộc.

Hoạt động Thuyết trình trong một “Giờ học lịch sử” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Thông qua các chương trình giáo dục di sản, trong suốt quá trình học tập trải nghiệm, các em học sinh chủ động tham gia vào việc đặt ra câu hỏi, khám phá, thử nghiệm, mong muốn được tìm hiểu, giải quyết vấn đề, chịu trách nhiệm, sáng tạo và hình thành, tiếp thu kiến thức mới để rồi thêm hiểu, thêm yêu di sản, trân trọng các giá trị truyền thống, văn hóa lịch sử của cha ông để lại và bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các em. Việc áp dụng kết hợp các phương pháp giáo dục năng động thông qua các hoạt động trải nghiệm, tương tác, trò chơi…. giúp học sinh được rèn luyện nhiều kỹ năng như: quan sát, khám phá, đặt, trả lời câu hỏi, miêu tả, đánh giá, phải biện, thuyết trình, thể hiện bản thân, năng khiếu, làm việc nhóm. …

Sẽ là lý tưởng nhất nếu một chương trình giáo dục di sản dành cho học sinh sẽ gồm đầy đủ 3 bước:

– Bước 1: Hoạt động trước chuyến tham quan

– Bước 2: Hoạt động tham quan, trải nghiệm tại bảo tàng

– Bước 3: Hoạt động tiếp theo sau chuyến tham quan.

Trước khi đến bảo tàng, học sinh được giáo viên (nếu đi theo nhóm nhà trường) và được phụ huynh (nếu đi theo nhóm gia đình) thông báo về kế hoạch tham quan, giới thiệu chủ đề trải nghiệm, học tập tại bảo tàng và hướng dẫn các em tìm hiểu, sưu tầm thông tin, hình ảnh… liên quan đến chủ đề. Khi đến bảo tàng, các em đã có sẵn những ý tưởng tốt về những gì các em sắp được xem và những công việc sẽ làm. Đến bảo tàng, các em cần được bảo tàng đón tiếp một cách vui vẻ, thân thiện, thoải mái; Được chỉ dẫn nơi cất đồ dùng cá nhân, nhà vệ sinh; Được giới thiệu những gì các em sẽ xem và sẽ làm; Được nhận những tài liệu, thiết bị cần thiết. Sau đó là quá trình tham quan, trải nghiệm, học tập tại bảo tàng. Các hoạt động sau buổi tham quan tại bảo tàng là hoạt động mở rộng tại trường hoặc tại nhà (nếu học sinh đi theo nhóm gia đình). Đó có thể là: Viết thu hoạch, bài luận, xây dựng lại lịch sử theo óc tưởng tượng, viết phóng sự, làm phim, đóng kịch, tiểu phẩm, thuyết trình, kể chuyện, vẽ tranh, trưng bày sản phẩm… Tùy vào điều kiện thực tế, thời lượng phân bố chương trình học của học sinh tại trường và mức độ tham gia hay quan tâm của giáo viên, phụ huynh học sinh… chương trình có thể linh hoạt tích hợp các bước với nhau.

Hoạt động trải nghiệm “Cuộc hành quân thần tốc của vua Quang Trung” trong chương trình “Giờ học lịch sử” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Với đối tượng công chúng là học sinh phổ thông, việc xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục tại bảo tàng sẽ thực sự hiệu quả và mang tính bền vững khi có sự hợp tác, phối kết hợp giữa cán bộ giáo dục của bảo tàng và giáo viên để xây dựng nội dung và tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục:

– Phối hợp nghiên cứu, lựa chọn chủ đề, nội dung chương trình phù hợp với nội dung của Bảo tàng và gắn kết, tích hợp với nội dung, chương trình các môn học (lịch sử, văn học, địa lý, hóa học, giáo dục công dân…) ở trường theo các cấp học, khối, lớp. Có thể lấy kết quả đánh giá việc tham gia, học tập trải nghiệm tại Bảo tàng của học sinh là điểm số của bài kiểm tra (15 phút hoặc 01 tiết) trong chương trình chính khóa tại nhà trường.

– Phối kết hợp xây dựng, lựa chọn, áp dụng hoạt động, hình thức trải nghiệm, phương pháp truyền đạt thông tin phù hợp với trình độ, tâm lý lứa tuổi, sở thích, xu hướng… của học sinh theo theo từng lứa tuổi, khối lớp học.

– Nội dung, thời lượng một chương trình giáo dục (buổi) tham quan, học tập, trải nghiệm dành cho lứa tuổi học sinh tại bảo tàng cần vừa phải. Kiến thức, nội dung cần tập trung, không quá nặng và dàn trải. Bám sát phương châm “học mà chơi, chơi mà học”, tạo tâm lý, không khí học tập, trải nghiệm vui, bổ ích, hấp dẫn, lý thú.

– Cán bộ giáo dục cần có kỹ năng trong việc quản lý, tập hợp, thu hút, lôi cuốn sự chú ý của học sinh. Trong quá trình diễn ra hoạt động trải nghiệm (đặc biệt dưới hình thức các trò chơi, cuộc thi…) cần tạo lập không khí sôi nổi, hấp dẫn, khích lệ, động viên, lôi kéo và tạo cơ hội cho mọi học sinh được tham gia, không tập trung vào một số em.

– Trên thực tế, phương pháp đặt câu hỏi, kể các câu chuyện lịch sử, kích thích trí tưởng tượng rất thích hợp với đối tượng học sinh khi tham quan, trải nghiệm tại Bảo tàng. Chú ý sử dụng ngôn ngữ phổ thông, khi sử dụng các thuật ngữ, từ ngữ chuyên ngành cần giải thích chi tiết, rõ ràng.

– Để thu hút và duy trì đối tượng công chúng học sinh là công chúng “tại chỗ”, công chúng “địa phương” cũng như thu hút những đối tượng công chúng mới, chương trình giáo dục của bảo tàng phải luôn có sự đổi mới, sáng tạo cả về nội dung cũng như phương pháp, cách thức trải nghiệm, chú trọng đầu tư cho việc nghiên cứu, xây dựng các chủ đề mang tính hấp dẫn, đặc trưng và khác biệt của bảo tàng.

Khi một du khách bước vào bảo tàng, họ mang theo hàng loạt thông tin đã nhận thức được từ trước đó cùng với những cảm xúc khác nhau và những kỳ vọng học tập không chính thức. Là nơi lưu giữ những hiện vật thật, “hiện vật gốc”, bảo tàng có một cơ hội đặc biệt để thu hút những người sẵn sàng học hỏi, những người sẵn sàng đón nhận những trải nghiệm mới. Lý do làm cho một bảo tàng bị gắn với hình ảnh tiêu cực bằng những cụm từ như: cũ kỹ, buồn tẻ, ẩm mốc, hàn lâm, sách vở… bên cạnh nguyên nhân đến từ trưng bày hay chất lượng trưng bày, lý do chính là sự trống vắng các chương trình giáo dục, sự thiếu hụt về chính sách giáo dục hoặc chính sách giáo dục của bảo tàng đó chỉ là trên danh nghĩa. Những năm gần đây, chúng ta thường nghe nhiều đến những từ khóa: gắn kết cộng đồng (community engagement), tương tác (interaction), trải nghiệm (experience), sự tham gia (participation), khám phá (exploration), sáng tạo (innovative)… Chú trọng chính sách giáo dục của bảo tàng, xây dựng và tổ chức các chương trình giáo dục nhằm gắn kết cộng đồng, cung cấp và tạo cơ hội cho công chúng được trải nghiệm, được thấy mình là một phần của bảo tàng không còn là sự lựa chọn mà trở thành trách nhiệm, chức năng của mỗi bảo tàng. Đây vừa là xu thế tất yếu của các bảo tàng hiện đại, vừa là con đường mỗi bảo tàng phải dấn thân để tạo sự gắn kết, thu hút khách tham quan và chứng minh được vai trò, hiệu quả xã hội của mình.

Ths. Phạm Thị Mai Thủy

Trưởng phòng Giáo dục – Công chúng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Becoming a Better Learner (Trở thành người học tốt). Nguồn: www.campaign-for-learning.org.uk Có thể xem và tải tài liệu tại https://www.campaign-for-learning.org.uk/Handlers/Download.ashx?IDMF=07f4cb7b-6f5f-42d2-8831-842c5f189797 hoặc tải tại ĐÂY

2. Bettye Alexander Cook, B.A., M.A, 2007. A Chronological study of experiential education in the American History Museum (Nghiên cứu lịch đại về giáo dục trải nghiệm ở Bảo tàng Lịch sử Hoa kỳ).

3. Gary Edson và David Dean. Cẩm nang bảo tàng (The handbook for Museums). Bản dịch của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. 2001

4. Hooper-Greenhill E, 1992a. Museum Education, Manual of Curatorship (Giáo dục bảo tàng, Cẩm nang cho người phụ trách, 1 BH)

5. Hooper-Greenhill E, 1992b. Museum Education Today, Working in Museum & Gallery Education 10 Career Experiences, Leicester University Press

6. ICOM (International Council of Museums), 1990. ICOM Statutes: Code of Professional Ethics (Quy ước về đạo đức nghề nghiệp)

7. ICOM (International Council of Museums), 1989 Museums: Generators of Culture, Paris.

8. Timothy Ambrose và Crispin Paine. Cơ sở bảo tàng (Museum Basics) Bản dịch của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.2000

[1] Hội đồng Bảo tàng thế giới (1989) ICOM Museums: Generators of Culture, Paris: 69

Nguồn dẫn: http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3099/72403/phuong-phap-xay-dung-va-to-chuc-chuong-trinh-giao-duc-bao-tang.html

Bạn đang xem bài viết: Phương pháp xây dựng và tổ chức chương trình giáo dục Bảo tàng (phần 2). Thông tin được tạo bởi Trung Tâm Tiêng Anh Gemma chọn lọc và tổng hợp cùng với các chủ đề liên quan khác.