Probiotics và Prebiotics khác nhau thế nào?

Probiotics và Prebiotics khác nhau thế nào?

Probiotics và prebiotics là cả hai chất dinh dưỡng thường được nhắc đến ngày nay. Mặc dù nghe khá giống nhau, nhưng cả hai có vai trò riêng biệt đối với sức khỏe. Cụ thể, probiotics là vi khuẩn có lợi, còn prebiotics là thức ăn cho những vi khuẩn này.

1. Probiotics khác gì Prebiotics?

Cả prebiotics và probiotics đều quan trọng đối với sức khỏe con người, nhưng đảm nhiệm các vai trò khác nhau:

  • Probiotics (Men vi sinh): Là những vi khuẩn sống được tìm thấy trong một số loại thực phẩm hoặc chất bổ sung, có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
  • Prebiotics: Có trong các loại carbs mà con người không thể tiêu hóa (chủ yếu là chất xơ). Các vi khuẩn có lợi trong đường ruột sẽ ăn chất xơ này.

Vi khuẩn đường ruột, được gọi chung là hệ vi sinh vật đường ruột, thực hiện nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể. Bổ sung một lượng probiotics và prebiotics thích hợp sẽ đảm bảo sự cân bằng của những lợi khuẩn trong hệ vi sinh vật đường ruột, giúp bạn khỏe mạnh.

2. Vai trò của lợi khuẩn đường ruột

Các lợi khuẩn trong đường tiêu hóa giúp bạn chống lại những vi khuẩn khác và nấm có hại. Một nghiên cứu năm 2013 về vi khuẩn trong đường ruột xác nhận rằng: Nhiều loại lợi khuẩn có thể hỗ trợ các chức năng của hệ miễn dịch, cải thiện triệu chứng trầm cảm và giải quyết tình trạng béo phì, cùng nhiều lợi ích khác.

Ngoài ra, một số vi khuẩn đường ruột còn tạo thành vitamin K và axit béo chuỗi ngắn. Đây là nguồn dinh dưỡng chính của các tế bào lót trong ruột kết, tạo thành một hàng rào bảo vệ đường ruột, loại bỏ các chất độc hại, virus và vi khuẩn. Các tế bào lót đường tiêu hóa được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cũng giúp giảm viêm và có khả năng giảm nguy cơ ung thư.

Thực phẩm bạn ăn đóng vai trò quan trọng đối với sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột, cả tốt và xấu. Ví dụ, chế độ ăn nhiều đường và chất béo sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến vi khuẩn đường ruột, góp phần hình thành tình trạng kháng insulin và các vấn đề khác.

Nếu thường xuyên ăn thực phẩm xấu, vi khuẩn có hại sẽ phát triển nhanh hơn và dễ dàng cư trú trong đường ruột, bạn cũng không có nhiều lợi khuẩn hữu ích để ngăn chặn chúng.

Vi khuẩn có hại và hệ thực vật đường ruột kém lành mạnh cũng có liên quan đến chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn. Ngoài ra, thực phẩm ngấm thuốc trừ sâu cũng có tác động tiêu cực đến vi khuẩn đường ruột, nhưng cần có thêm nghiên cứu để xác nhận. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thuốc kháng sinh có thể làm biến đổi một số loại vi khuẩn, đặc biệt là khi dùng cho trẻ em và thanh thiếu niên.

3. Prebiotics có trong những thực phẩm nào?

Prebiotics là loại chất xơ có trong rau, trái cây và các loại đậu. Con người không thể tiêu hóa các chất xơ này, nhưng lợi khuẩn đường ruột có thể. Bạn không cần thiết phải mua các loại chất bổ sung prebiotics đắt tiền, vì nhiều nguồn thực phẩm tự nhiên cũng có chứa chất này.

Thực phẩm giàu chất xơ prebiotics bao gồm:

  • Các loại đậu và đậu Hà Lan
  • Yến mạch
  • Chuối
  • Các loại quả mọng berries
  • Măng tây
  • Rau bồ công anh
  • Tỏi
  • Tỏi tây
  • Hành tây

Vi khuẩn có lợi cho đường ruột sẽ biến chất xơ prebiotics thành axit béo chuỗi ngắn butyrate. Chất này đã được nghiên cứu rộng rãi và chứng minh lợi ích cho hệ tiêu hóa nói riêng và sức khỏe nói chung.

4. Probiotics có trong thực phẩm nào?

Nhiều thực phẩm probiotics có chứa các lợi khuẩn tự nhiên, chẳng hạn như sữa chua. Sữa chua nguyên chất, chất lượng cao với các chủng khuẩn sống là một lựa chọn tuyệt vời cho chế độ ăn uống của bạn. Thực phẩm lên men cũng là một gợi ý hay, chứa nhiều lợi khuẩn phát triển mạnh nhờ đường hoặc chất xơ tự nhiên trong thực phẩm.

Ví dụ về thực phẩm lên men bao gồm:

  • Dưa cải chua
  • Kim chi
  • Nấm thủy sâm – Kombucha (nuôi trong dung dịch trà đường)
  • Một số loại rau muối chua khác (chưa tiệt trùng).

Nếu muốn ăn thực phẩm lên men để bổ sung probiotics, hãy chọn loại chưa được tiệt trùng vì quá trình này sẽ giết chết vi khuẩn. Một số loại thực phẩm cũng có thể chứa cả vi khuẩn có lợi và nguồn chất xơ prebiotics nuôi vi khuẩn, được gọi là synbiotic (cộng sinh), ví dụ như phô mai.

5. Dược phẩm bổ sung probiotics

Các chất bổ sung probiotics có sẵn dưới dạng thuốc viên, bột hoặc chất lỏng có chứa lợi khuẩn hoặc nấm men sống.

Mặc dù rất phổ biến và dễ tìm, nhưng không phải tất cả đều đáng giá, bởi vì:

  • Không phải tất cả sản phẩm đều có cùng loại vi khuẩn hoặc cùng nồng độ.
  • Cũng có nhiều sản phẩm đưa ra trên thị trường mà không có bằng chứng về hiệu quả.
  • Nếu chỉ bổ sung men vi sinh mà không ăn kèm với nguồn chất xơ prebiotics, vi khuẩn không có thức ăn cũng bị cản trở hiệu quả.
  • Một số chất bổ sung lợi khuẩn có khả năng mang vi khuẩn đến tận ruột già để phát huy tác dụng tốt hơn, trong khi những loại chất lượng kém sẽ không vượt qua được axit trong dạ dày.
  • Có vài nhóm người không nên dùng probiotics, chẳng hạn như người bị vi khuẩn đường ruột phát triển quá mức (SIBO) hoặc nhạy cảm với các thành phần trong chất bổ sung.

Các loại men vi sinh có phù hợp và lợi ích hay không phụ thuộc vào chủng loại, công thức, chất lượng của sản phẩm và cách bảo quản. Bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia chăm sóc sức khỏe – người hiểu biết về men vi sinh, trước khi quyết định mua về sử dụng.

Như vậy, probiotics là vi khuẩn có lợi được tìm thấy trong một số loại thực phẩm hoặc chất bổ sung. Prebiotics là một loại chất xơ nuôi các vi khuẩn thân thiện trong hệ tiêu hóa. Giữ cân bằng vi khuẩn đường ruột rất quan trọng đối với sức khỏe. Ăn nhiều thực phẩm prebiotics và probiotics sẽ giúp thúc đẩy sự cân bằng lý tưởng giữa vi khuẩn đường ruột tốt và xấu.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh tật, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có các gói Khám sức khỏe tổng quát phù hợp với từng độ tuổi, giới tính và nhu cầu riêng của quý khách hàng với chính sách giá hợp lý.

Kết quả khám của người bệnh sẽ được trả về tận nhà. Sau khi nhận được kết quả khám sức khỏe tổng quát, nếu phát hiện các bệnh lý cần khám và điều trị chuyên sâu, Quý khách có thể sử dụng dịch vụ từ các chuyên khoa khác ngay tại Bệnh viện với chất lượng điều trị và dịch vụ khách hàng vượt trội.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bạn đang xem bài viết: Probiotics và Prebiotics khác nhau thế nào?. Thông tin được tạo bởi Trung Tâm Tiêng Anh Gemma chọn lọc và tổng hợp cùng với các chủ đề liên quan khác.

Similar Posts