Quản lý, phát huy giá trị các di tích tốt hơn

AI ĐẶT TÊN TỈNH BÌNH ĐỊNH | Hướng Dẫn Viên Du Lịch | VGuides Channel
AI ĐẶT TÊN TỈNH BÌNH ĐỊNH | Hướng Dẫn Viên Du Lịch | VGuides Channel

XẾP HẠNG, NÂNG CẤP DI TÍCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH:

Quản lý, phát huy giá trị các di tích tốt hơn

Hơn 5 năm qua, nhiều di tích ở tỉnh ta được công nhận, nâng cấp công nhận; hầu hết trong số này đều là di tích lịch sử. Việc xếp hạng, công nhận và nâng cấp công nhận nhằm quản lý, phát huy giá trị các di tích vào đời sống tốt hơn.

Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại Di tích Huyện đường Bình Khê (huyện Tây Sơn) được nâng cấp từ di tích cấp tỉnh (xếp hạng năm 1998) lên di tích cấp quốc gia (năm 2018), cùng với đó là việc xây dựng khu tưởng niệm với nhiều hạng mục công trình bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Tính đến nay, tỉnh ta có 133 di tích được xếp hạng, bao gồm: 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 34 di tích cấp quốc gia, 97 di tích cấp tỉnh. Trong đó, chiếm phần lớn là di tích lịch sử (117 di tích), còn lại là di tích kiến trúc nghệ thuật (11 di tích), khảo cổ (3 di tích), danh lam thắng cảnh (2 di tích).

Đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2019 toàn bộ 18 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh ở các đia phương đều là di tích lịch sử: Lăng ông Nam Hải ở vạn đầm Hưng Lương (TP Quy Nhơn); Mộ Phó tướng Lê Tuyên, Mộ Nguyễn Diêu, Nước Mặn – nơi phôi thai chữ Quốc ngữ (huyện Tuy Phước); Gò Chàm, Bàu Sấu – Kỳ Đồng, Địa điểm nhà thầy Trương Văn Hiến (TX An Nhơn); Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong Tú Thủy, Chiến thắng chốt Lò Rèn (huyện Tây Sơn); Vụ thảm sát thôn Hưng Trị, Vụ thảm sát thôn An Nông, Chiến thắng Hội Sơn (huyện Phù Cát); Trạm phẫu Huyện đội Hoài Nhơn, Địa đạo Gò Quánh (TX Hoài Nhơn); Cầu Bến Muồng, Chiến thắng Đồi 174 (huyện Hoài Ân); Nơi thành lập Chi bộ Chính Nghĩa (huyện An Lão); Ga Mục Thịnh (huyện Vân Canh). Năm 2020, Bảo tàng tỉnh đang xây dựng hồ sơ khoa học để đề nghị xếp hạng 3 di tích cấp tỉnh, gồm: Chiến thắng Đồng Ấu (huyện Tây Sơn), Lăng ông ở Vạn Trung Nam, Dốc Cát (TX Hoài Nhơn).

Việc xếp hạng các di tích lịch sử đã tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ, tôn tạo, quản lý và phát huy giá trị di tích vào đời sống tốt hơn. Vì vậy công tác này được phân kỳ khoa học và triển khai thực hiện rất khẩn trương. Dù vậy, việc lập hồ sơ khoa học để xếp hạng nhiều di tích lịch sử cũng gặp nhiều khó khăn, khi tư liệu, hiện vật, dấu tích kiến trúc, người ít nhiều biết về di tích đã mất đi hoặc còn rất ít; một số điểm di tích ở vùng rừng núi có đường đi đến khó khăn…

Ông Phạm Đức Tín, Phó Trưởng phòng Quản lý và Phát huy di tích, Bảo tàng tỉnh, chia sẻ: Để lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, những người có trách nhiệm phải nỗ lực nhiều hơn trong việc dành nhiều thời gian đi khảo sát thực địa di tích, tìm kiếm thêm thông tin và tổng hợp, đối chiếu, sàng lọc các nguồn tư liệu một cách cẩn trọng để đảm bảo sự chính xác cao hơn.

Di tích lịch sử cấp tỉnh Bãi biển Lộ Diêu (TX Hoài Nhơn) – nơi cập bến tàu không số chi viện vũ khí vào khu V.

Tình Bình Định hiện có 2 di tích quốc gia đặc biệt là khu Đền thờ Tây Sơn tam kiệt (di tích lịch sử, xếp hạng năm 2014) và tháp Dương Long (di tích kiến trúc nghệ thuật, xếp hạng năm 2015). Như vậy, liên quan đến phong trào Tây Sơn có đến 3 di tích quốc gia đặc biệt ở 3 miền của đất nước; ở miền Nam có khu di tích chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút (Tiền Giang, xếp hạng năm 2014) và miền Bắc có khu di tích Gò Đống Đa (Hà Nội, xếp hạng năm 2018).

Những năm qua, đã có các di tích cấp tỉnh được nâng cấp lên di tích cấp quốc gia như di tích Chiến thắng An Lão (huyện An Lão), Đền thờ Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân) vào năm 2013; Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc tại Huyện đường Bình Khê (huyện Tây Sơn) năm 2018. Bảo tàng tỉnh đang tiến hành xây dựng hồ sơ trong năm nay để đề nghị nâng cấp xếp hạng di tích quốc gia đối với Nơi thành lập Chi bộ Cửu Lợi (TX Hoài Nhơn, xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 1996).

Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên rà soát các di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, xét thấy các di tích có thể đáp ứng được điều kiện nâng cấp lên di tích quốc gia, trao đổi thống nhất với địa phương có di tích, chúng tôi có sự đề xuất lên các cấp trên. Sau khi nhận được văn bản đề nghị từ tỉnh, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) sẽ cử cán bộ vào thẩm định di tích, nếu đáp ứng các điều kiện theo Luật Di sản văn hóa mới cho chủ trương để tỉnh bắt đầu tiến hành các bước lập hồ sơ khoa học nâng cấp di tích. Gắn liền với việc xếp hạng di tích quốc gia là các dự án tôn tạo, nâng cấp, xây dựng các công trình mới xứng tầm để phục vụ tốt hơn cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích”.

HOÀI THU

Bạn đang xem bài viết: Quản lý, phát huy giá trị các di tích tốt hơn. Thông tin được tạo bởi Trung Tâm Tiêng Anh Gemma chọn lọc và tổng hợp cùng với các chủ đề liên quan khác.

Similar Posts